Lăn bánh ước mơ Story

CÂU CHUYỆN CỦA CHÚNG TÔI:
Chúng tôi được tiếp cận với trẻ em vùng cao Tây Bắc qua nhiều chuyến du lịch và thiện nguyện phát quà truyền thống. Cuối tháng 9 năm 2016 trong chuyến hành trình ngắm mùa vàng Tây Bắc cả nhóm đến bản Lìm Mông thuộc xã Cao Pạ của Mù Căng Chải…Trẻ em nơi đây, giống như bao trẻ em dân tộc khác, hễ khi thấy khách du lịch là lại chạy ào ra để ngóng chờ được phát vài ba chiếc kẹo.
Sân chơi tái chế cho trẻ em
Khi bọn trẻ đã tụ tập thành vòng tròn xung quanh, chúng tôi để ý đến một nhóm 3 đứa chừng 8,9 tuổi vẫn đang mải miết chơi với một chiếc lốp xe cũ (chắc của một xe ô tô du lịch hỏng bỏ lại). Bọn trẻ khênh chiếc lốp lên đỉnh một con dốc nhỏ, thả lốp chạy xuống và cầm một chiếc que đuổi theo đập vào hai bên thành lốp để giữ thăng bằng. Chiếc lốp khá nặng so với sức của bọn trẻ, nhưng trò chơi được lặp đi lặp lại nhiều lần và dường như chúng bị một sức hấp dẫn ma mị với thứ đồ chơi lạ đến mức quên cả việc chạy ra xin kẹo. Bỗng một thành viên trong đoàn nẩy ra một ý định, cô gái cầm túi kẹo đến cạnh bọn trẻ và nói điều gì đó vào tai chúng. Bọn trẻ chợt dừng lại, mắt nhìn vào túi kẹo mút to trên tay người khách lạ với ánh mắt thèm thuồng, sau đó lại quay ra nhìn nhau. Chợt một đứa đưa chiếc que trong tay cho cô gái và nói một câu gì đó khiến vị khách phá lên cười…Chúng tôi cũng cười vì hiểu rằng “Cuộc đổi chác tinh quái đã thất bại”…
“Đối với trẻ em vùng cao, một sân chơi đúng nghĩa không chỉ đơn thuần là Nhu Cầu…mà nó còn là Ước Mơ”– Lê Hoài Nam: Chủ nhiệm Dự án.
Sân chơi tái chế cho trẻ em
CHÚNG TÔI LÀ AI:
Lấy cảm hứng từ câu chuyện “Gói kẹo và chiếc lốp xe cũ”, CLB Bụi Đường Travel Club quyết định thành lập dự án “Lăn Bánh ước Mơ” với mục tiêu xây dựng các sân chơi kết hợp với nghệ thuật bằng lốp xe cũ và sơn màu dành tặng nhiều điểm trường và địa phương vùng cao phía Bắc.
Bụi Đường Travel Club là một câu lạc bộ du lịch có các đơn vị thành viên trên khắp các tỉnh thành tại Việt Nam. Chúng tôi có nguồn nhân lực địa phương ổn định và đảm bảo để có thể thực hiện và mở rộng dự án “Sân Chơi cho trẻ em” tại bất cứ địa phương nào.
MONG MUỐN CỦA CHÚNG TÔI:
1. Góp phần cải thiện tỷ lệ bỏ học:
Ở những vùng núi cao, khó khăn của các điểm trường không chỉ là đi “vận động trẻ em đến lớp” mà còn là làm cách nào “giữ được các em theo học”…Có lẽ “điểm trường nội trú” là thành quả lớn nhất của ngành giáo dục giúp giảm thiểu được tỷ lệ trẻ bỏ trường. Tuy nhiên khó khăn không chỉ bởi đường xá xa xôi, không chỉ bởi việc chậm hấp thu kiến thức phổ thông mà còn bởi rất nhiều các lý do khác nữa…Các em chỉ là những đứa trẻ, các em cần có những động lực thúc đẩy được mong muốn đến trường…Một sân chơi thú vị trong khuôn viên các điểm trường sẽ góp phần thúc đẩy mong muốn được đến lớp của các em.
2. Cân bằng và lưu giữ lại tuổi thơ:
Có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh những bó củi cao hơn đầu người, hay hình ảnh một đứa trẻ đang cố gắng chăn thả một đàn gia súc. Trẻ vùng cao từ khi đỏ hỏn đã phải theo mẹ lên nương, lên rẫy; lớn tầm 5,6 tuổi đã phải phụ giúp gia đình rất nhiều công việc…Những không gian chơi đầy sáng tạo và nghệ thuật sẽ giúp cân bằng và lưu giữ lại tuổi thơ đang bị đánh cắp của các em, giúp các em phát triển cả về thể chất và tâm hồn.
Sân chơi tái chế cho trẻ em
“Chúng tôi hiểu rất rõ những lợi ích thiết thực và sân chơi mang lại cho trẻ em vùng cao quê tôi” Trần Luân: Chủ nhiệm CLB Bụi Đường Travel – Yên Bái.
CHÚNG TÔI THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO:
  • Nhóm tiền trạm sẽ khảo sát thực tế các khu vực, điểm trường phù hợp và thiếu môi trường vui chơi dành cho trẻ em. Liên hệ để có thêm sự hỗ trợ nhân lực của địa phương để thực hiện công tác chuẩn bị mặt bằng.
  • Nhóm kỹ thuật tại Hà Nội thực hiện công việc lên ý tưởng và thiết kế các modul trò chơi phù hợp với lứa tuổi. Lên bản vẽ kỹ thuật chính xác, thi công và thử nghiệm tại xác xưởng cộng đồng tại Hà Nội trước khi vận chuyển toàn bộ các modul lên địa điểm để lắp ghép.

Lê Huy Hoàng – LBUM – 18-4-2017