Tại những vùng núi cao như miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, nơi còn nhiều thiếu thốn về điều kiện sống, cơ sở vật chất, khó khăn của người làm thầy cô không chỉ là vận động trẻ em tới trường, mà còn phải làm sao để các em yêu thích và không bỏ học giữa chừng.
Hiểu được trăn trở đó, dự án “Lăn bánh ước mơ” đã ra đời, để tuổi thơ của các em được phát triển phong phú và các em có thêm nhiều động lực, niềm vui đến trường.
Từ những lốp xe cũ, 6 năm qua, các thành viên của dự án “Lăn bánh ước mơ” đã xây dựng 24 sân chơi miễn phí cho trẻ khắp cả nước mà các thiết bị đều được làm từ vật liệu tái chế. Những chiếc lốp cũng được thiên biến vạn hóa, bền bỉ dưới mọi thời tiết… Và cứ thế, “hành trình thứ 2” của những chiếc lốp xe bắt đầu…
“Thế là mình vừa tự tay xây xong một sân chơi tái chế từ lốp xe cũ cho các em nhỏ ở một vùng xa xôi và khó khăn. Cảm giác đồng thời hạnh phúc và tự hào trong lòng mình như được nhẹ bỗng bay lên cao.
Chắc ai cũng có một giấc mơ lớn là mong muốn giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Và hôm nay, mình tự tin rằng, một phần giấc mơ của mình đã được thực hiện, vốn đã bao lâu nay bị cuộc sống cơm áo gạo tiền níu kéo” – đó là tâm sự của 1 thành viên trong dự án “Lăn bánh ước mơ”.
Từ 2017 tới nay, dự án đã thực hiện được 24 sân chơi tái chế, kéo dài từ Bắc vào Nam. Hơn 2.000 lốp xe được tái sử dụng tạo thành sân chơi ở các tỉnh như Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Kon Tum, Ninh Thuận,….Cà Mau.
Kể về câu chuyện tạo nên dự án Lăn bánh ước mơ, anh Lê Hoài Nam – Trưởng nhóm Lăn bánh ước mơ tâm sự: Những ý tưởng về sân chơi tái chế bắt nguồn từ một lần anh cùng những người bạn đi du lịch tại vùng núi Tây Bắc và thấy được sự thiếu thốn của các em nhỏ ở đây.
Vì vậy, cả nhóm đã quyết định xây dựng một sân chơi từ vật liệu tái chế, như một món quà thiết thực cho các em nhỏ, vừa có thể tái sử dụng những vật liệu khó phân huỷ ra môi trường.
Để làm được 1 sân chơi tái chế, các thành viên trong nhóm “ Lăn bánh ước mơ” phải trải qua nhiều công đoạn như khảo sát địa hình, lên kế hoạch, thu mua lốp xe, gia công, vận chuyển và lắp đặt…thời gian chuẩn bị cũng mất đến cả tháng.
Riêng với lốp xe ô tô cũ, nhóm phải thu mua như nguyên liệu thô, sau đó làm đẹp, gia công, qua tay nhiều nhóm như đội sơn, lắp lốp rồi mới được chuyển tới địa điểm lắp đặt sân chơi.
Anh Nam cho biết: “Lốp xe ô tô, khi mình tìm hiểu thì thấy nó là một loại vật liệu rất khó phân huỷ ra môi trường, nếu mà mình sử dụng để làm sân chơi cho trẻ em thì nó lại phù hợp, vì bề mặt của lốp xe nó khá êm và khi để ngoài trời nó cũng không bị hư hỏng như các đồ chơi nhựa. Khi mình sử dụng để làm đồ chơi trẻ em thì mình phải kiểm tra và vệ sinh kỹ vì lốp xe khi qua sử dụng sẽ có những viên đá dăm, tanh lốp lộ ra, thì mình phải xử lý để đảm bảo an toàn cho các em”
Đặc biệt, mỗi một sân chơi tái chế ở những khu vực khác nhau đều được nhóm lựa chọn những thiết kế phù hợp theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời, thêm vào những dấu ấn riêng biệt của từng vùng miền: “Trên 1 sân chơi thì thường bọn mình làm từ 7-9 mô hình, đa phần phù hợp với trẻ em, mỗi sân chơi bọn mình cũng tìm hiểu để thiết kế 1-2 mô đun mang đặc trưng của sân chơi đấy.
Ví dụ sân chơi ở Hoà Bình, bọn mình đưa hình ảnh của guồng quay, hoa văn trang trí của dân tộc Mường để trang trí sân chơi. Hoặc sân chơi trên Hà Giang thì bọn mình cũng xây dựng mô đun hình ruộng bậc thang để các em thấy và tự hào về thiên nhiên nơi các em ở”
Dường như hành trình xây dựng của những thành viên trong nhóm Lăn bánh ước mơ đã để lại nhiều dấu ấn riêng biệt. Bởi vậy mà anh Nam cùng các thành viên của nhóm vẫn nhớ rõ về từng chương trình, thời gian, địa điểm tổ chức…
Trong đó chứa đựng những cung bậc cảm xúc đặc biệt của cả người lớn và các em nhỏ mà đoàn nhận được sau mỗi lần triển khai dự án: “Ví dụ như bọn mình làm sân chơi ở Điện Biên, sau khi lắp đặt sân chơi xong thì thậm chí các thầy cô còn gọi điện xuống bảo, đáng nhẽ bình thường không có sân chơi thì các em 9h đi ngủ. Có sân chơi thì 10h các thầy cô phải đi tuần, các em trốn để chơi ở sân chơi, không muốn về. Hoặc sân chơi ở Hà Tĩnh, các thầy cô còn gửi ảnh, gửi video cho bọn mình, dù trời mưa, các em vẫn tranh thủ giờ nghỉ để chạy ra sân chơi, vì các em chưa bao giờ được chơi những trò chơi như thế. Nó là động lực để bọn mình muốn làm được nhiều sân chơi cho các em”
Thấy những đứa trẻ vùng cao thích thú với sân chơi mới, lòng của những người làm thiện nguyện như anh Hoài Nam và các thành viên trong đoàn đều cảm thấy vui lây. Vui bởi vì công sức mình bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng và điều quan trọng hơn là từ đây những đứa trẻ vùng cao đã có sân chơi thiếu nhi theo đúng nghĩa.
Không chỉ xây dựng sân chơi từ những vật liệu tái chế cho những trẻ em vùng cao, giữa tháng 4 năm nay, “Sân chơi hòa nhập” dành cho người khuyết tật đầu tiên của dự án, đã được các thành viên triển khai lắp đặt tại tổ dân phố 11, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội.
“Sân chơi hoà nhập” là một sân chơi tái chế với thiết kế đặc biệt có chủ đề hoà nhập, các thiết bị sân chơi được thực hiện theo hướng tiện lợi, an toàn cho người khuyết tật có thể cùng tham gia vui chơi. Sân chơi được thiết kế với 6 mô đun trò chơi vận động đặc trưng như: xích đu dành cho xe lăn, chuông gió cho người khiếm thị, thang tay vận động, cầu thăng bằng, bập bênh, cầu trượt , ..
Anh Lê Hoài Nam, Trưởng nhóm “Lăn bánh ước mơ” cho biết, sân chơi hoà nhập được xây dựng chính từ nỗi băn khoăn, trăn trở của bản thân, làm sao có thể xây dựng một sân chơi tiện lợi, an toàn cho những người yếu thế:
“Sân chơi dành cho người khuyết tật nó khác với các sân chơi khác.Ví dụ như xích đu, bình thường mình chỉ cần làm 1 cái lốp xe và 2 dây treo là được. Nhưng xích đu của người đi xe lăn thì phải làm sao để người ta tự lên được, tự đu và tự xuống được. Cũng như những cái thanh xà, đu tay, bọn mình cũng phải mượn những vật dụng của các bạn khuyết tật để tìm hiểu, nghiên cứu sao cho phù hợp”
“Sân chơi hòa nhập” là công trình thứ 22 của nhóm. Cuối tuần này, chuyến xe của các thành viên Lăn bánh ước mơ lại tiếp tục đến với điểm trường Bản Hình – Trường Mầm Non Minh Tân – xã Minh Tân – Huyện Vị Xuyên – Tỉnh Hà Giang để xây dựng nên sân chơi tái chế thứ 25.
Và cứ thế, những sân chơi tái chế lại tiếp tục ra đời, biến ước mơ có một sân chơi “xanh”, lành mạnh cho trẻ em trở thành hiện thực, để trao những yêu thương và xin lại nụ cười…