Nếu như những ngày hè hay sau mỗi buổi học đối với trẻ em thành thị là quãng thời gian được nghỉ ngơi, thư giãn, được tham gia các hoạt động ngoại khóa hay đi du lịch cùng gia đình, đến những khu vui chơi, giải trí thì đối với những trẻ em vùng sâu, vùng xa, có được một sân luôn là một điều mơ ước. Bởi với các em, bất kể nơi nào, từ vệ đường, cho đến những bờ ruộng hay dưới những con suối… đều có thể trở thành chỗ vui chơi. Nhưng những trò chơi không đảm bảo an toàn này là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn, thương tích đáng tiếc như: đuối nước, gãy tay chân hay xây xước thân thể, thậm chí các em còn có thể bị… xâm hại.
Ở nơi còn nhiều thiếu thốn về điều kiện sống, cơ sở vật chất thì việc có một sân chơi dành cho các em lại càng trở nên xa vời.
Chứng kiến những điều đó, ý tưởng về một sân chơi an toàn, bổ ích cho các em đã được anh Lê Hoài Nam cùng những người bạn trong nhóm đam mê du lịch bụi ấp ủ, với mong muốn các em được vui chơi và có một tuổi thơ đúng nghĩa. Nghĩ là làm, “Lăn bánh ước mơ” – một sân chơi từ vật liệu tái chế, như một món quà thiết thực cho các em nhỏ vùng khó khăn đã ra đời. Hành trình đi “xin tiếng cười” cho trẻ thơ trên khắp mọi miền đất nước bắt đầu.
Ngay sau khi thành lập từ năm 2017, Lăn bánh ước mơ đã thu hút nhiều thành viên tham gia từ mọi miền tổ quốc. Không một quy định nào về đối tượng, độ tuổi tham gia, chỉ cần các bạn thành viên có chung mong muốn được giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và tinh thần lan tỏa yêu thương.
Anh Lê Hoài Nam – Chủ nhiệm dự án chia sẻ, với nhóm Lăn bánh ước mơ việc xây dựng sân chơi mang lại niềm vui cho các em nhỏ vùng cao cũng chính là niềm vui của các thành viên trong nhóm. Ước mong của nhóm là mọi em nhỏ sẽ có sân chơi, mọi trường học sẽ có những hạng mục phụ như sân chơi, thư viện… để tuổi thơ của các em được phát triển phong phú và thêm động lực đến trường.
Anh Đức Hoàng, Trưởng nhóm Lăn bánh ước mơ khu vực phía Nam chia sẻ: “Lăn bánh ước mơ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ, đó là động lực lớn cho nhóm thực hiện chương trình một cách tốt nhất. Các bé nơi đây quá hồn nhiên và đáng yêu, sân chơi do nhóm thi công chưa xong mà các bé đã vui đùa tinh nghịch, vây quanh muốn thử trò chơi mặc kệ thời tiết mưa gió…”
Lăn bánh ước mơ không chỉ là nơi kết nối những người yêu trải nghiệm mà đó còn là nơi người trẻ khát khao làm gì đó có giá trị cho đời.
“Thế là mình vừa tự tay xây xong một sân chơi tái chế từ lốp xe cũ cho các em nhỏ ở một vùng xa xôi và khó khăn. Cảm giác đồng thời hạnh phúc và tự hào trong lòng mình như được nhẹ bỗng bay lên cao.
Chắc ai cũng có một giấc mơ lớn là mong muốn giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Và hôm nay, mình tự tin rằng, một phần giấc mơ của mình đã được thực hiện, vốn đã bao lâu nay bị cuộc sống cơm áo gạo tiền níu kéo” – lời tâm sự của 1 thành viên trong Lăn bánh ước mơ sau khi hoàn thành một dự án đi “xin nụ cười” cho trẻ vùng cao.
Ngoài kia, cùng trên đất nước chữ S mà chúng ta đang sống vẫn có biết bao hoàn cảnh khó khăn, thế nhưng với một tuổi trẻ rạo rực đầy năng lượng, những thành viên của Lăn bánh ước mơ vẫn đang miệt mài đóng góp chút sức lực nhỏ bé của mình trên hành trình đi “xin” nụ cười cho trẻ em trên mọi miền đất nước bởi với họ:
“Nụ cười của các em là phần thưởng lớn nhất cho những người làm sân chơi, mình nghĩ nhiêu đó là quá nhiều rồi”.
Giữa hàng trăm chương trình, dự án thiện nguyện đầy ý nghĩa đến với trẻ em vùng cao, vùng khó khăn trên khắp cả nước, Lăn bánh ước mơ có lẽ là dự án đặc biệt nhất. Bởi thứ cốt lõi hình thành nên nó là những chiếc lốp xe cũ. Thế nhưng những chiếc lốp xe ấy lại mang trong mình sứ mệnh lớn lao mang lại nụ cười và một tuổi thơ đúng nghĩa cho trẻ em. Vậy hành trình mang lại nụ cười từ những chiếc lốp xe cũ được thực hiện như thế nào?
Trước hết, để làm được 1 sân chơi tái chế, các thành viên trong nhóm Lăn bánh ước mơ phải trải qua nhiều công đoạn như khảo sát địa hình, lên kế hoạch, thu mua lốp xe, gia công, vận chuyển và lắp đặt… thời gian chuẩn bị cũng mất đến cả tháng.
Vật liệu chính là lốp ô tô cũ, nhóm phải thu mua như nguyên liệu thô, sau đó làm đẹp, gia công, qua tay nhiều công đoạn như sơn, lắp lốp rồi mới được chuyển tới địa điểm lắp đặt sân chơi.
Anh Nam cho biết: “Lốp xe ô tô, khi mình tìm hiểu thì thấy nó là một loại vật liệu rất khó phân huỷ ra môi trường, nếu mà mình sử dụng để làm sân chơi cho trẻ em thì nó lại phù hợp, vì bề mặt của lốp xe nó khá êm và khi để ngoài trời nó cũng không bị hư hỏng như các đồ chơi nhựa. Khi mình sử dụng để làm đồ chơi trẻ em thì mình phải kiểm tra và vệ sinh kỹ vì lốp xe khi qua sử dụng sẽ có những viên đá dăm, tanh lốp lộ ra, thì mình phải xử lý để đảm bảo an toàn cho các em”.
Ngoài ra, nhóm cònthiết kế chế tạo các modun đồ chơi cho các em nhỏ vừa tiết kiệm, vừa tái chế bảo vệ môi trường. Các modun được thiết kế và sản xuất đảm bảo an toàn cho các em nhỏ.
Anh Lê Hoài Nam chụp ảnh lưu niệm sau khi hoàn thành một dự án Lăn bánh ước mơ tại Hà Giang
Đặc biệt, mỗi một sân chơi tái chế ở những khu vực khác nhau đều được nhóm lựa chọn những thiết kế phù hợp theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời, thêm vào những dấu ấn riêng biệt của từng vùng miền: “Trên 1 sân chơi thì thường bọn mình làm từ 7-9 mô hình, đa phần phù hợp với trẻ em, mỗi sân chơi bọn mình cũng tìm hiểu để thiết kế 1-2 mô đun mang đặc trưng của sân chơi đấy.
Ví dụ sân chơi ở Hoà Bình, bọn mình đưa hình ảnh của guồng quay, hoa văn trang trí của dân tộc Mường để trang trí sân chơi. Hoặc sân chơi trên Hà Giang thì bọn mình cũng xây dựng mô đun hình ruộng bậc thang để các em thấy và tự hào về thiên nhiên nơi các em ở”.
Mỗi một sân chơi sẽ được thiết kế mang những dấu ấn riêng biệt của từng vùng miền.
Việc lắp đặt sân chơi từ những vật dụng tái chế đem lại rất nhiều lợi ích. Không chỉ cung cấp cho trẻ em không gian chơi và học hỏi về tái chế, giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường, Sân chơi với những trò chơi vận động liên hoàn còn giúp trẻ em phát triển thể chất, tinh thần và học tập những kỹ năng bổ ích. Sân chơi mở ra cho trẻ cơ hội giúp trẻ em hiểu rõ hơn về quá trình tái chế và cách góp phần bảo vệ môi trường.
Từ 2017 tới nay, hơn 2.000 lốp xe được tái sử dụng tạo thành sân chơi từ Bắc Vào Nam. Những chiếc lốp xe cũ được thiên biến vạn hóa, bền bỉ dưới mọi thời tiết… Và cứ thế, “cuộc đời thứ 2” của những chiếc lốp xe cũ bắt đầu…
Dường như hành trình xây dựng của những thành viên trong nhóm Lăn bánh ước mơ đã để lại nhiều dấu ấn riêng biệt. Bởi vậy mà anh Nam cùng các thành viên của nhóm vẫn nhớ rõ về từng chương trình, thời gian, địa điểm tổ chức… Trong đó chứa đựng những cung bậc cảm xúc đặc biệt của cả người lớn và các em nhỏ.
“Ví dụ như bọn mình làm sân chơi ở Điện Biên, sau khi lắp đặt sân chơi xong thì thậm chí các thầy cô còn gọi điện xuống bảo, đáng nhẽ bình thường không có sân chơi thì các em 9h đi ngủ. Có sân chơi thì 10h các thầy cô phải đi tuần, các em trốn để chơi ở sân chơi, không muốn về.
Hoặc sân chơi ở Hà Tĩnh, các thầy cô còn gửi ảnh, gửi video cho bọn mình, dù trời mưa, các em vẫn tranh thủ giờ nghỉ để chạy ra sân chơi, vì các em chưa bao giờ được chơi những trò chơi như thế. Nó là động lực để bọn mình muốn làm được nhiều sân chơi cho các em”.
Thấy những đứa trẻ vùng cao thích thú với sân chơi mới, những người làm thiện nguyện như anh Hoài Nam và các thành viên trong đoàn như được vui lây. Vui bởi công sức mình bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng và điều quan trọng hơn là từ đây những đứa trẻ vùng cao đã có sân chơi thiếu nhi đúng nghĩa.
Thế nhưng để tạo ra một sân chơi mang lại những tiếng cười rộn rã giữa núi non trùng điệp hay tận ngoài những hòn đảo xa xôi, nhóm cũng đã trải qua không ít khó khăn.
Từ tỉnh lộ 178, nhọc nhằn qua 17km đường đất lổm ngổm có một ngôi trường dân tộc bán trú ở chân dãy Tây Côn Lĩnh. Ngôi trường mang tên Trường PTDTBT TH & THCS Túng Sán, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Nơi đây quanh năm mây mù bao phủ trên những thửa ruộng bậc thang, là nơi theo học của gần 700 học sinh người dân tộc thiểu số đa số là người dân tộc Cờ Lao. Thế nhưng năm học 2021 – 2022, các em đến trường những ngày đầu năm mới bằng niềm vui và sự háo hức vì một lời hứa của các anh chị Câu lạc bộ Lăn bánh ước mơ: Năm nay chúng ta sẽ có một sân chơi.
Ước mong của những người làm dự án là mọi em nhỏ sẽ có sân chơi,
để tuổi thơ của các em được phát triển phong phú và các em thêm nhiều động lực, niềm vui đến trường.
Trong lễ bàn giao, thầy Trương Anh Quý – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sân chơi là món quà thiết thực đối với các em nhất là những em học sinh bán trú xa nhà. Nhà trường cùng học sinh sẽ cùng giữ gìn và duy trì sân chơi tốt nhất cho các em.
Hay như lần thực hiện chương trình tại làng Sáng – Háng Đồng – Bắc Yên- Sơn La. Làng Sáng là bản người Mông nằm sâu nhất trong lõi rừng nguyên sinh, nơi mà vào ngày mưa rét nếu bảo vào bản thì dân địa phương cũng lắc đầu bởi những ngọn núi cao, đường đi ngoằn ngoèo cùng cái rét thấu xương mỗi dưới 0 độ. Thế nhưng sau khi nhận được kết quả tiền trạm, nhóm vẫn quyết định xây dựng sân chơi tại vùng bản xa xôi này.
Vượt 20km đường rừng lầy lội giữa cái rét cắt da thịt, 1 xích đu, 116 áo ấm, 116 bộ khăn mũ len và găng tay, cùng với chăn ấm, đồ chơi và bánh kẹo đã được trao tận tay đến các em nhỏ người Mông tại điểm trường làng Sáng.
Cùng nhau đi đến những vùng xa xôi nhất, khó khăn nhất để dựng lên những sân chơi đầy ắp tiếng cười trẻ thơ.
Trong cái lạnh buốt giữa rừng già, những niềm vui của trẻ thơ khi nhận được những món quà ấm áp từ những tấm lòng hảo tâm đã xua đi cái lạnh. Nhìn những đứa trẻ Mông vui vẻ chơi đùa và học tập với những trang phục mới, ấm áp hơn, an toàn cho sức khỏe hơn, những thành viên đi trao quà đã quên ngay những khó khăn vừa trải qua khi băng rừng.
Thế nhưng ý nghĩa hơn, những món quà này mang đến đúng dịp Tết của người Mông 1/12 âm lịch và chuẩn bị đón Tết nguyên đán đã giúp phần nào giảm bớt khó khăn cho các em nhỏ tại làng Sáng để các em có thêm niềm vui khi đến trường và một cái Tết đầm ấm hơn.
Trên hành trình đi “xin nụ cười” của mình, nhóm đã thực hiện nhiều sân chơi ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, nhưng dự án tại đảo Thanh Lân (Cô Tô, Quảng Ninh) có lẽ là chương trình đặc biệt nhất.
Trẻ em sinh sống ngoài đảo thiệt thòi hơn trong việc tìm kiếm không gian vui chơi so với trẻ em ở đất liền. Nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về diện tích, tài nguyên, và địa lý.
Các thành viên của Dự án cho biết, thách thức lớn nhất khi làm sân chơi ngoài đảo là thời tiết không ổn định. Đảo thường bị cô lập trong thời tiết xấu nên đôi khi việc vận chuyển cần phải tạm dừng hoặc trì hoãn. Tuy nhiên với sự nỗ lực của các thành viên, địa phương và người dân sở tại đã giúp biến ước mơ có một sân chơi “xanh”, lành mạnh trở thành hiện thực và mang lại niềm vui cho trẻ em sống trên đảo.
Không chỉ xây dựng sân chơi từ những vật liệu tái chế cho những trẻ em vùng cao, vùng khó khăn, vào giữa tháng 4/2023, “Sân chơi hòa nhập” dành cho người khuyết tật đầu tiên của dự án đã được các thành viên triển khai lắp đặt tại tổ dân phố 11, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội.
“Sân chơi hoà nhập” là một sân chơi tái chế với thiết kế đặc biệt được thực hiện theo hướng tiện lợi, an toàn cho người khuyết tật có thể cùng tham gia vui chơi. Sân chơi được thiết kế với 6 mô đun trò chơi vận động đặc trưng như: xích đu dành cho xe lăn, chuông gió cho người khiếm thị, thang tay vận động, cầu thăng bằng, bập bênh, cầu trượt,…
Anh Lê Hoài Nam cho biết, sân chơi hoà nhập được xây dựng chính từ nỗi băn khoăn, trăn trở của bản thân, làm sao có thể xây dựng một sân chơi tiện lợi, an toàn cho những người yếu thế.
Sân chơi hoà nhập dành cho người khuyết tật đầu tiên của nhóm.
“Sân chơi dành cho người khuyết tật nó khác với các sân chơi khác.Ví dụ như xích đu, bình thường mình chỉ cần làm 1 cái lốp xe và 2 dây treo là được. Nhưng xích đu của người đi xe lăn thì phải làm sao để người ta tự lên được, tự đu và tự xuống được. Cũng như những cái thanh xà, đu tay, bọn mình cũng phải mượn những vật dụng của các bạn khuyết tật để tìm hiểu, nghiên cứu sao cho phù hợp”.
6 năm kể từ 2017, hành trình của những bạn trẻ trong nhóm Lăn bánh ước mơ mang những sân chơi đến cho trẻ em ở vùng xa và những vùng khó khăn trên cả nước. Những sân chơi đã mang lại niềm vui, những sự hào hứng cho trẻ em trên mọi miền tổ quốc. Với phương châm, mang đến không gian vui chơi an toàn và bổ ích cho trẻ em ở vùng cao và vùng khó khăn, mỗi thành viên nhóm Lăn bánh ước mơ đều tâm niệm: “Hạnh Phúc lớn nhất của các thành viên trong nhóm là được cùng xây dựng sân chơi với các em học sinh, được cùng các em lao động, vui chơi và trải nghiệm các trò chơi mới”.
Hành trình Lăn bánh ước mơ đã và đang được nối dài, sứ mệnh tạo ra sân chơi dành cho trẻ em ở các trường học và địa phương trên khắp các vùng xa, vùng khó khăn của cả nước ngày càng trở nên ý nghĩa hơn.
“Giải thưởng hành động vì cộng đồng – Human Act Prize” do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Với sự đồng hành tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; đơn cử như ngân hàng quân đội MBBank với dự án ứng dụng thiện nguyện minh bạch; trong quá trình truyền thông và tổ chức sự kiện, Human Act Prize sẽ tiếp sức tinh thần và những giá trị tri thức để mọi hoạt động cộng đồng tại Việt Nam được kiến tạo minh bạch, khoa học, hữu hiệu và nhân văn.
Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org/