Cụ thể, theo lời kể của những thành viên trong nhóm thiện nguyện, trẻ em nơi đây hễ thấy khách du lịch là chạy ào ra để ngóng chờ được phát kẹo, nhưng phía xa có một nhóm khoảng 3 đứa trẻ chừng 9 tuổi vẫn đang mải miết chơi với một chiếc lốp xe cũ.
Những đứa trẻ này khênh chiếc lốp lên đỉnh con dốc nhỏ, thả lốp chạy xuống và cầm một chiếc que đuổi theo đập vào hai bên thành lốp để giữ thăng bằng. Chiếc lốp khá nặng so với sức của những đứa trẻ, nhưng trò chơi được lặp đi lặp lại nhiều lần và những đứa trẻ tỏ ra thích thú.
Hình ảnh đó đã ám ảnh những thành viên trong đoàn, thôi thúc họ làm sao để có thể tạo được một sân chơi bổ ích cho những đứa trẻ vùng cao.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, anh Lê Hoài Nam (chủ nhiệm dự án “Lăn bánh ước mơ”) chia sẻ: “Đối với trẻ em vùng cao, một sân chơi đúng nghĩa không chỉ đơn thuần là nhu cầu mà nó còn là ước mơ”.
Nghĩ là làm, quay trở về Hà Nội, nhóm thiện nguyện đã bắt đầu bắt tay vào kế hoạch xây dựng sân chơi cho trẻ vùng cao.
Chia sẻ về những khó khăn khi bắt tay vào thực hiện “Lăn bánh ước mơ” (một dự án cộng đồng của CLB Bụi Đường Travel Hà Nội và Yên Bái – PV), Kiến trúc sư Trần Danh Nam, Phó chủ nhiệm phụ trách thi công cho hay: “Chương trình bắt đầu vào 25/4-10/5 thực hiện xong ở Hà Nội, khó khăn thứ nhất là về nhân lực bởi thành viên trong câu lạc bộ tuy đông nhưng phần lớn là người đi làm nên các bạn chỉ tranh thủ tất cả các buổi tối trong tuần sau giờ làm chính để đến điểm thi công làm việc. Các bạn làm 15 đêm liên tục như vậy để kịp hoàn thành tiến độ. Có bạn ở tận Hoài Đức lên Hà Nội họp, hết giờ họp tranh thủ đến làm một mình cho xong việc rồi lại về”.
Khó khăn thứ nữa đó việc xin lốp, bởi để làm được sân chơi cho trẻ vùng cao cần 300 quả lốp ô tô cũ, dù đã liên hệ xin lốp nhưng mỗi cửa hàng cũng chỉ xin được vài chiếc. Các tình nguyện viên cũng đã phải xin, gom và chở bằng xe máy từ rất nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội về điểm tập kết.
Trò chuyện với PV, chị Hà (nhóm BMW X+ đồng hành cùng các thành viên CLB Bụi Đường Travel Hà Nội và Yên Bái) chia sẻ: “Thấy nhóm bạn trẻ có những hành động vô cùng ý nghĩa nhưng thiếu vốn để triển khai, chúng tôi đã cố gắng quyên góp từ các thành viên trong nhóm để hỗ trợ thêm các bạn triển khai dự án này”.
Theo lời anh Danh Nam, địa điểm tập kết cũng phải đi nhờ bởi 300 chiếc lốp ô tô chỗ để lưu cũng cần phải rộng, thoáng để còn làm những công đoạn tiếp theo.
“Để làm sân chơi cần phải biết sử dụng nhiều kỹ năng cơ khí như: Hàn, mài, cắt, pha sơn… mà các thành viên trong câu lạc bộ chủ yếu là trái ngành vì thế, người biết cần hướng dẫn, đào tạo cho các bạn nên công đoạn này cũng vô cùng khó khăn”, anh Danh Nam chia sẻ thêm.
Sau khi hoàn thiện xong khung cơ bản, tất cả các thành viên vận chuyển đồ lên bản Mù, Trạm Tấu, Yên Bái, thi công lắp đặt trong 3 ngày từ 11/5-14/5 hoàn thành bàn giao cho trường.
Kiến trúc sư Trần Danh Nam cho biết: “Khi xe chở sân chơi (300 chiếc lốp cũ) đến trường bản Mù, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ của các thầy cô, người dân địa phương và đặc biệt là 700 học sinh đón tiếp nồng nhiệt, giúp đỡ tháo dỡ sân chơi. Các em vui đến mức cầm lốp đi khắp sân trường để chơi, làm cho các thành viên trong đoàn rất vất vả mới có thể gom lốp về điểm tập kết”.
“Trẻ em ở đây rất thích sân chơi, cứ mô hình trò chơi nào hoàn thiện là các em lại chơi, chơi cả ngày lẫn đêm mặc cho mọi người vẫn đang làm các trò chơi khác. Bên cạnh đó, các em cũng hỗ trợ nhóm sơn màu trang trí các lốp xe, vẽ lên các ý tưởng trẻ thơ của các em”, chủ nhiệm Hoài Nam chia sẻ thêm.
Nhìn những đứa trẻ vùng cao thích thú với sân chơi mới, lòng của những người làm thiện nguyện như anh Hoài Nam và các thành viên trong đoàn đều cảm thấy vui lây. Vui bởi vì công sức mình bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng và điều quan trọng hơn là từ đây những đứa trẻ vùng cao ở bản Mù đã có sân chơi thiếu nhi theo đúng nghĩa. Đây cũng là hành động thiết thực khởi đầu cho những dự án ý nghĩa tiếp theo của nhóm.